Với việc ứng dụng thành công hai công nghệ mới – công nghệ sản xuất dùng phôi trứng gà và công nghệ tạo nhũ, Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco) đã cho ra đời vắcxin phòng cúm gia cầm do các biến chủng mới. Nhờ đó, Việt Nam có thể chủ động được nguồn cung vắcxin, tiến tới thay thế hoàn toàn vắcxin nhập khẩu.
Chủ động nguồn cung vắcxin cúm
Theo Bộ Y tế, tính từ ca mắc H5N1 đầu tiên năm 2003 đến nay, Việt Nam đã có hơn 112 người mắc bệnh này, 56 ca tử vong. Tiến sỹ (TS) Trần Xuân Hạnh – Phó Tổng Giám đốc Navetco – cho biết, bệnh cúm gia cầm không chỉ gây thiệt hại rất lớn cho nghề chăn nuôi gia cầm mà còn đe dọa nghiệm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Điều đáng nói là trong thời gian bệnh mới xuất hiện ở Việt Nam, tất cả vắcxin đều phải nhập từ Trung Quốc.
“Điều đó gây nhiều khó khăn cho việc phòng bệnh do không chủ động được nguồn vắcxin cung ứng, bị động về số lượng và thời gian cung ứng khi có nhu cầu, đặc biệt là khó kiểm soát về mặt chất lượng, trong khi nhu cầu về vắcxin cúm ở nước ta rất lớn” – TS Trần Xuân Hạnh nói và cho biết thêm, việc phòng bệnh cúm gia cầm chỉ có thể đạt hiệu quả cao khi thực hiện tốt đồng thời công tác vệ sinh, kiểm dịch và tiêm phòng vắcxin thích hợp.
Để giải quyết vấn đề này, nhiệm vụ “Nghiên cứu sản xuất vắcxin vô hoạt nhũ dầu phòng bệnh cúm A/H5N1 cho gia cầm do các biến chủng mới gây ra ở Việt Nam” được triển khai tại Bộ Khoa học và Công nghệ, do TS Trần Xuân Hạnh làm chủ nhiệm. Đây là nhiệm vụ thuộc chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia, một trong các chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia.
Hệ thống tiêm trứng tại Công ty Navetco. Ảnh: Navetco
Kết quả, các nhà khoa học đã nghiên cứu và sản xuất thành công một vắcxin mới có khả năng phòng chống các biến chủng (clade) cũ và mới của virus cúm gia cầm A/H5N1 (gồm clade 1, clade 1.1, clade 2.3.2.1a, clade 2.3.2.1c, clade 2.3.2.1b) và virus cúm gia cầm H5N6. Đây là loại vắcxin vô hoạt nhũ dầu chứa 2 chủng virus vắcxin CDC-RG30 và NIBRG-14, được sản xuất thành công với quy mô 1 triệu liều/mẻ. Chất lượng vắcxin đạt hiệu quả tốt với phổ tác dụng rộng, phòng chống được các virus cúm đã biến đổi.
Ông Hạnh cho biết, trước mắt Navetco sẽ đảm bảo cung cấp một phần nhu cầu vắcxin này trong nước, dần tiến tới sản xuất thay thế hoàn toàn vắcxin nhập khẩu để phục vụ cho công tác tiêm phòng cúm cho đàn gia cầm tại Việt Nam. Hiện vắcxin đã được kiểm tra tại Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương I và được đánh giá đạt các tiêu chuẩn về tính ổn định, tính an toàn và tính hiệu lực theo TCVN 8684:2011 và TCVN 8685-9:2014.
Đại diện Navetco cho rằng, vì sản xuất được ở trong nước nên giá cả sẽ mang tính cạnh tranh hơn, người chăn nuôi dễ dàng mua vắcxin để sử dụng. “Khi đó việc phòng bệnh bằng vắcxin sẽ được xã hội hóa tốt hơn và hiệu quả phòng bệnh sẽ cao hơn rất nhiều” – ông Hạnh nói.
Vắcxin cúm nhị giá đầu tiên của Việt Nam
Vắcxin vô hoạt nhũ dầu phòng cúm A/H5N1 được Công ty Navetco nghiên cứu trên cơ sở ứng dụng công nghệ sản xuất dùng phôi trứng gà và công nghệ tạo nhũ. “Việc áp dụng và làm chủ được công nghệ nuôi cấy virus cúm trên trứng gà có phôi và công nghệ tạo nhũ chính là điểm cơ bản quyết định đến thành công của đề tài. Sản phẩm thu được có chất lượng tương đương các nước ASEAN và tiệm cận với các nước có trình độ sản xuất vắcxin tiên tiến trên thế giới” – TS Hạnh nói.
Đánh giá về loại vắcxin mới này, TS Nguyễn Văn Cảm – Hội Thú y Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề tài – cho biết: “Đây là vắcxin cúm đầu tiên của Việt Nam sản xuất dùng 2 chủng vắcxin (vắcxin nhị giá) có thể thay thế hoàn toàn vắcxin nhập từ nước ngoài, giúp tiết kiệm được nguồn ngoại tệ lớn”.
Từ kết quả của đề tài, Công ty Navetco đã xây dựng thành công các quy trình kiểm nghiệm và sử dụng vắcxin như: Quy trình giữ giống gốc và giống sản xuất virus cúm, quy trình sản xuất, quy trình kiểm nghiệm, quy trình bảo quản và quy trình sử dụng vắcxin cúm A/H5N1 vô hoạt nhũ dầu.
“Việc làm chủ được công nghệ vắcxin, đặc biệt là thành công trong kỹ thuật tạo nhũ sẽ là cơ sở khoa học và thực tế để áp dụng nghiên cứu các loại vắcxin nhũ dầu khác của thú y, đồng thời tạo được nguồn lực cán bộ có khả năng sản xuất nhiều loại vắcxin” – TS Trần Xuân Hạnh nói.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, TS Hạnh cho biết sẽ thay thế công nghệ sản xuất dùng phôi trứng gà bằng công nghệ dạng tế bào, khi đó chắc chắn giá thành sản phẩm sẽ rẻ hơn.
Minh Nhật
Nguồn: Báo Khoa học & PT